Friday, May 4, 2012

Kinh doanh quán café cao cấp: Lo "thù trong giặc ngoài"!

Kinh doanh quán café cao cấp: Lo "thù trong giặc ngoài"!


Trong lúc các ông chủ làng café VN đang tranh đấu với nhau, tung hết các “chiêu” hút khách ra dùng thì ở đằng kia, trong màn đêm “đại gia” café Starbucks - tập đoàn sở hữu hàng ngàn chuỗi cửa hàng café lớn khắp thế giới đã dòm ngó thị trường VN, chuẩn bị kỹ càng để tiến quân vào trong giai đoạn VN hậu WTO.

Nở rộ café “sao”

Sau mấy ngày lang thang trong các quán café tại Sài Gòn một người bạn là Việt kiều Úc tỏ vẻ ngạc nhiên: “Café Sài Gòn sang hơn cả Úc, bên đó tôi thấy khó tìm được quán lớn như ở đây!”.

Thật ra, tầng café cao cấp chỉ mới xuất hiện tại Sài Gòn trong vòng vài năm nay, nói theo cách của giới kinh doanh café: đang có sự chuyển dịch cơ cấu trong việc đầu tư. Đã qua rồi cái thời chỉ cần vài cái bàn cái ghế là ra một quán café, bây giờ muốn “có ăn” quán phải được đầu tư lớn, thậm chí phải đạt các tiêu chí để được khách hàng phong “sao” (chưa có tổ chức thẩm định sao như khách sạn, nhà hàng nên “sao” này là do khách hàng truyền miệng).

Nói đến café “sao” hiện nay dân “sành” cà phê đều thuộc nằm lòng những địa chỉ “hot”, có thể đáp ứng các tiêu chí như địa điểm (vị trí) đẹp, có phong cách riêng và sự am hiểu khách hàng… Theo các nhà đầu tư, để đáp ứng được tiêu chí trên trong tay nhà đầu tư phải có ít nhất từ 5 - 6 tỷ đồng. Thậm chí con số đầu tư thực luôn cao hơn mức này. Điển hình như quán Zenta (Q.1) xuất hiện vào đầu năm 2006 đã khiến người ta giật mình: có tổng số vốn đầu tư hơn 16 tỷ đồng (chưa kể tiền thuê đất).

Tương tự, tại TP.HCM cũng đã mọc lên hàng loạt quán café đa tiện ích khác như Planet, K&ampK, Ritar, Yesterday… Trong đó, Yesterday được xem là thương hiệu thức thời, đang từ một quán thuộc hàng trung lưu ở đường Nguyễn Đình Chiểu đã xuất hiện lại trong một tư thế và qui mô mới: lớn và cao cấp hơn trên đường Nguyễn Thông (Q.3).

Không chỉ dừng lại ở mức đáp ứng nhu cầu thị trường, hiện các nhà đầu tư đã bắt đầu chú tâm vào việc đầu tư chuỗi hệ thống café với những phân khúc riêng của mình. Như Highland đang “đánh” vào các cao ốc văn phòng, Sao (MTV) thì lôi kéo dân chơi, còn Yesterday nhắm vào doanh nhân… Café đã không còn là cuộc chơi của những “tay ngang”.

Thắng nhờ giỏi “đánh hơi”

Trong làn sóng đầu tư mới trên, phải kể đến cánh chim đầu đàn khuấy động phong trào café bạc tỷ như hiện nay là Windows. Vào những năm 2000, khi thị trường café còn èo uột với những quán bình dân, sang lắm thì cũng cỡ Trung Nguyên thì Windows đã ra đời. Phong cách trang trí lạ, vị trí đẹp và dịch vụ tốt… Windows đã làm nên “cơn sốt” café “sao”.

Song một lĩnh vực kinh doanh béo bở không bao giờ được các nhà đầu tư để yên. Một thời gian sau thế thượng phong lại rơi vào các nơi khác, những địa điểm mới hơn và tung ra nhiều “chiêu” hút khách lạ hơn… Cứ thế, trong làng café luôn có những vòng đua.

&nbspAnh Tâm, một doanh nhân thường xuyên phải dùng đến quán café để giao tế và thư giãn cho rằng, để có chỗ đứng tại TP.HCM quán café phải luôn tự làm mới mình, tuy nhiên không được để mất phong cách riêng. Ngoài ra, còn phải đặc biệt chú trọng đến yếu tố am hiểu tâm lí khách hàng như đào tạo nhân viên nhớ rõ thói quen của từng khách và biết khách hàng định làm gì.

Còn chủ một quán café “sao” tại Q.10 cũng cho hay, phương án giữ khách của anh là tăng cường các tiện ích xung quanh như chương trình âm nhạc có gu riêng, phục vụ thêm thức ăn nhẹ, thay đổi thiết kế nội thất…

Độc “chiêu” hơn, một số ông chủ khác còn dùng cả đến “chân dài”, ngôi sao điện ảnh, ca nhạc nổi tiếng… để làm “nền” cho quán nhằm thu hút khách vào. Những cảnh tượng này không lạ gì với những người thường xuyên đi qua các quán lớn xung quanh khu vực hồ con Rùa (Q.1) vào buổi chiều. Các ngôi sao này chỉ đến đây ngồi chơi, uống café và được hưởng lương.

“Được vào quán uống café cùng đẳng cấp với các ngôi sao thì còn gì 'oách' bằng” - Đó là lý giải của một nhà kinh doanh.

“Thù trong giặc ngoài"

Theo một nguồn tin riêng của VietNamNet, Starbucks (Mỹ) thương hiệu đang sở hữu gần 3.000 quán café tại 37 quốc gia đang lên kế họach thâm nhập thị trường VN. Đây là chuỗi cửa hàng café hoạt động theo kiểu Mc Donald's, đã có mặt trên thị trường hơn 35 năm.

Tuy không có “chân dài” như ai nhưng Starbucks đã nổi tiếng với sản phẩm café có hương thơm quyến rũ, cung cách phục vụ chuyên nghiệp và chất lượng đồng nhất trên toàn hệ thống.

Cũng cần nhắc thêm, vào năm 2004 khi Trung Quốc cho phép các công ty 100% vốn nước ngoài được gia nhập thị trường bán lẻ thì đến nay, sau 2 năm Starbucks đã có khoảng 200 cửa hàng tại đây.

Được biết, Starbucks đã mở rộng hoạt động bằng cách mua lại một công ty Hồng Kông - doanh nghiệp đã có trong tay 60 quán café. Ngay tại ở Seattle (Mỹ) Starbucks cũng đã mua lại công ty High Grown Investment Group Ltd. và thôn tính luôn cả H&ampQ Asia Pacific.

Chúng ta hãy cùng chờ xem đối thủ nặng ký đến từ nước Mỹ này sẽ làm cho các chủ quán café cao cấp tại VN đau đầu như thế nào?
(VietNamNet)

No comments:

Post a Comment