Saturday, May 5, 2012

Chuẩn bị gì khi bắt đầu kinh doanh nhà hàng?

Để chuẩn bị cho hoạt động hiệu quả của nhà hàng, ngoài mặt bằng tốt "địa lợi" thì 2 yếu tố thiết yếu đó là đội ngũ nhân viên thật lành nghề cùng một hệ thống thiết bị hỗ trợ thích hợp và mạnh mẽ.

1. Nhân sự quản lý

Người quản lý có vai trò cực kỳ quan trọng trong các nhà hàng. Ứng viên tốt nhất của bạn phải có kinh nghiệm quản lý nhà hàng trong khu vực bạn kinh doanh và sẽ có mối quan hệ với các nguồn mua thực phẩm địa phương.

Bạn cũng sẽ muốn một nhà quản lý với các kỹ năng lãnh đạo, khả năng giám sát nhân viên và thể hiện phong cách nhà hàng.

Để tuyển dụng nhà quản lý chất lượng, bạn phải chắc chắn rằng có thể trả cho họ mức lương hấp dẫn.

Nếu bạn không thể đưa ra mức lương cao, hãy lên kế hoạch về một bản thỏa thuận chia sẻ lợi nhuận. Đây là một cách tuyệt vời để thuê được những nhà quản lý giỏi và thúc đẩy họ góp sức xây dựng và phát triển nhà hàng.

Nên thuê nhà quản lý một tháng trước khi bạn chính thức khai trương.


2. Bếp trưởng và các đầu bếp phụ

Khởi sự kinh doanh nhà hàng, bạn có thể cần 3 đầu bếp – 2 người làm full-time và 1 người làm part-time. Các nhân viên nhà hàng có thể làm việc theo ca từ 10 giờ sáng tới 4 giờ chiều và từ 4 giờ chiều tới khi đóng cửa.

Riêng bếp trưởng cần đến sớm mỗi buổi sáng để chuẩn bị mọi thứ trong ngày. 1 đầu bếp làm full-time sẽ chịu trách nhiệm phần việc buổi sáng và đầu bếp kia nhận việc buổi chiều.

Đầu bếp làm part-time sẽ giúp nấu ăn trong thời điểm bận rộn nhất của nhà hàng, đặc biệt là cuối tuần. Những khoảng thời gian còn lại có thể được dành cho việc chuẩn bị những thứ đơn giản.

Các trường dạy nấu ăn sẽ cung cấp cho bạn những nhân viên làm đúng chuyên ngành. Tuy nhiên, bạn cũng có thể tham khảo các nhà hàng xung quanh hay các tạp chí tuyển dụng để chọn ra ứng viên xuất sắc nhất.

Khách hàng chỉ có thể quay trở lại khi họ được phục vụ tốt nhất bất cứ khi nào họ ăn tại nhà hàng của bạn.

Mức lương cho bếp trưởng và các đầu bếp phụ khác tùy thuộc vào kinh nghiệm của họ và menu của nhà hàng. Tất nhiên, lương cho bếp trưởng luôn cao hơn các đầu bếp khác.

Đối với các đầu bếp làm part-time, bạn có thể trả lương căn cứ trên giờ làm việc. Tham khảo các nhà hàng xung quanh trước khi quyết định mức lương.

3. Nhân viên phục vụ

Các nhân viên phục vụ có mối liên hệ mật thiết nhất với khách hàng. Vì vậy, đội ngũ nhân viên phục vụ bàn phải tạo được ấn tượng tốt, không khí thoải mái, dễ chịu trong khi vẫn tuân thủ nghiêm các quy định của nhà hàng, đặc biệt trong giờ cao điểm.

Kinh doanh nhà hàng thường có 2 thời điểm bạn cần lưu ý: đó là khi đông và vắng khách nhất. Sắp xếp lịch làm việc cho các nhân viên bàn một cách hợp lý. Bữa ăn trưa – lúc bận rộn nhất thường bắt đầu khoảng 11.30 sáng và kéo dài tới 1.30 hay 2 giờ chiều. Sau đó là thời gian khá thư nhàn trước khi công việc tất bật trở lại vào khoảng 5.30 đến 6 giờ tối.

Bởi vì các nhân viên bàn thường kiếm được khoản thu nhập khá từ tiền boa của khách, bạn có thể trả cho họ mức lương tối thiểu. Khi nhà hàng của bạn còn mới và chưa được nhiều người biết đến, bạn chỉ muốn thuê những người phục vụ chuyên nghiệp để không mất thời gian đào tạo. Nhưng ngay khi nhà hàng bắt đầu có dấu hiệu tiến triển, hãy lên kế hoạch đào tạo nhân viên giúp họ hiểu rõ mục tiêu, định hướng của nhà hàng và góp phần tiếp thị hình ảnh nhà hàng rộng rãi hơn.

4. Hệ thống hỗ trợ nghiệp vụ và quản lý nhà hàng

Rất nhiều nhà hàng khi bước vào kinh doanh đã gặp rất nhiều vấn đề khiến nhà quản lý dù giỏi đến đâu cũng phải cau mày tìm cách giải quyết, điển hình như một số trường hợp: bị mất khách quen chỉ vì nhân viên thì đông nhưng phục vụ chậm, phục vụ nhầm món hay bàn bên cạnh gọi sau lại được phục vụ trước, gọi tính tiền nhưng chờ mãi không thấy ai đến tính… quản lý lỗ lãi, xuất nhập tồn nguyên vật liệu... ; cũng chính vì những vấn đề này mà nhiều chủ nhà hàng kinh doanh rất phát đạt nhưng lại không dám mở thêm nhiều cơ sở vì một cơ sở mặc dù kinh doanh tốt nhưng thất thoát cũng nhiều, nếu mở thêm nhiều cơ sở thì không biết sẽ thất thoát nhiều cỡ nào.

Chính vì vậy, một hệ thống điện tử hỗ trợ tổng thể nghiệp vụ nhà hàng: order, tính tiền, quản lý kho, quản lý chung, báo cáo kinh doanh... với những phép tính nhanh chóng và chuẩn xác chính là một phương án thông minh để hệ thống nhà hàng của bạn ngày một phát triển bền vững và giữ được những khách hàng thân thiết.

Nguồn: http://diendancaphe.com/forum/bai-viet/12438-Chuan-bi-gi-khi-bat-dau-kinh-doanh-nha-hang-#ixzz1txcjFlyM

Phong thủy cho nhà hàng, quán bar

Phong thủy rất coi trọng việc thoáng khí trong phòng và luồng khí lưu thông trong khu nhà.

Nhà hàng là khu vực tập trung đông người và cũng là nơi tập trung nhiều thực phẩm, hàng hóa. Do vậy, nơi đây luôn cần 1 luồng khí tươi mới, đặc biệt là cần luồng khí lưu động cho phòng khách. Luồng khí lưu động có thể đẩy luồng khí xấu, ẩm ướt đi, mang đến luồng khí mới, khô sạch.



Nhà hàng cần thông thoáng khí

Trong phong thủy, việc “nạp khí” và “luồng khí lưu động” theo 1 ý nghĩa nào đó đều có thể hiểu là thoáng khí, thông gió.

Thông gió thoáng khí trong nhà hàng đều rất tốt với việc bảo quản thực phẩm và việc kinh doanh. Nó 1 trong những nguyên tắc quan trọng khi trang trí thiết kế cho nhà hàng.

Thu nạp khí cho nhà hàng, quán bar là việc để cho luồng không khí tự nhiên, tươi mới có thể đi vào trong nhà, vậy nên khi thiết kế phải chú ý để lại chỗ cho không khí có thể lưu thông.

Nói chung trong nhà hàng, quán bar luôn diễn ra hoạt động mua bán và đều có 1 cửa lớn thoáng rộng nên việc lưu thông không khí không có vấn đề gì.


Dưới đây là 4 trường hợp cũng không cần mở thêm chỗ thông gió:

- Nơi có luồng khí chuyển động do 2 mặt cửa đều mở;
- Nơi có luồng khí chuyển động do 3 mặt cửa đều mở;
- Nếu nhà hàng chỉ có 1 mặt tường, nhưng hình dẹt phẳng, không khí lưu thông rất dễ;
- Nhà hàng có 1 cửa hình dẹt, luồng khí chuyển động dễ dàng.

Tuy nhiên, nếu nhà hàng, quán bar chỉ có 1 cửa hình chữ nhật, ngoài ra không có thêm cửa sổ thì nên mở thêm 1 chỗ thông khí đối diện với cửa. Bởi luồng khí lưu động chỉ hoạt động ở phía trước phòng, còn luồng khí ở bộ phận sau nhà hàng, quán bar thì không thể chuyển động.

Phong thủy cho rằng luồng khí tĩnh - không động đó gọi là tử khí. Mở thêm phía đối diện với cửa 1 chỗ thông khí sẽ làm cho luồng tử khí đó hoạt động trở lại, hình thành nên luồng khí đối lưu ở phía trước và phía sau.


Để nhà hàng, quán bar luôn thông thoáng còn phải chú ý đến việc sắp xếp đồ dùng trong khu vực có chức năng khác nhau của nhà hàng, quán bar. Đồ dùng được sắp xếp ngay ngắn sẽ làm cho luồng khí không bị cản trở. Nếu không sẽ khiến luồng khí trong phòng rối loạn, làm cho 1 bộ phận luồng khí ngưng đọng và trở thành tử khí.

Trong phòng kho để đồ dùng cũng phải để 1 đường trống để không khí có thể đi vào và đẩy khí ẩm ra. Theo phong thủy, việc mở 1 đường cho khí có thể đi vào sẽ làm cho không gian xung quanh đều được sinh khí bảo dưỡng.

Thuyết thu khí dương trạch trong phong thủy yêu cầu phải điều chỉnh được luồng khí, đảm bảo luồng không khí lưu thông trong phòng được cân bằng âm dương. Nó mang ý nghĩa tích cực và cũng phù hợp với thực tế khách quan. Có thể tận dụng điều đó để cải thiện luồng khí cho nhà hàng, quán bar, từ đó tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn.

Nguồn: http://diendancaphe.com/forum/bai-viet/9096-Phong-thuy-cho-nha-hang-quan-bar#ixzz1txZr2ssl

Để giữ đầu bếp giỏi cho nhà hàng


Có thể nói, bên cạnh các yếu tố khác làm tăng độ nhận biết thương hiệu, đầu bếp là người giữ chìa khóa thành công cho một nhà hàng.
Sự mở rộng không ngừng của nhà hàng, quán ăn, quán cà phê để đáp ứng nhu cầu ẩm thực của khách hàng đang tạo nhu cầu rất lớn về đầu bếp. Có thể nói những đầu bếp giỏi luôn là mục tiêu tranh giành của các nhà hàng lớn, nhất là khi hàng loạt nhà hàng cao cấp ra đời thì mức độ cạnh tranh mời chào đầu bếp giỏi lại càng quyết liệt.
giu dau bep cho nha hang

Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.Hồ Chí Minh, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Niên, Trung tâm Dịch vụ việc làm Trí Thức… hằng tuần tuyển từ 10 - 20 đầu bếp/đơn vị, nhưng chỉ nhận được một vài hồ sơ. Có khi tin tuyển dụng “treo” cả tháng mà không tìm ra ứng viên. TP.Hồ Chí Minh có 5-7 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp có khoa đào tạo nghề bếp, mỗi năm nhận từ 200-500 sinh viên, học viên/trường. Ngoài ra còn có Trường Cao đẳng Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, Trường QLKS Việt Úc (VAAC)… cũng đào tạo nghề bếp từ sơ cấp đến trung cấp (hai tháng đến hai năm) nhưng vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu tuyển dụng. Hiện mức lương đầu bếp khởi điểm 3 triệu đồng/người/tháng, sau một tháng thử việc, thu nhập trung bình 4-6 triệu đồng/người/tháng. Đầu bếp giỏi thì giá tối thiểu từ 500-1.000 USD/người/tháng, tùy vào hợp đồng bếp khoán hay thầu theo doanh số.
Cung không kịp cầu đã tạo áp lực cho chủ kinh doanh nhà hàng tìm mọi cách giữ nhân sự bếp. Đặc biệt những nhà hàng chuyên món Tây rất khó tìm và giữ người có khả năng nấu các món này. Chủ nhà hàng Betty Family (Phú Mỹ Hưng), chị Bích Ngọc cho biết: “Tuyển một đầu bếp vừa ý đã khó, giữ được họ còn khó gấp bội. Doanh thu phụ thuộc vào tay nghề của bếp chính, nên người chủ phải chiều đầu bếp như… chiều chồng, chiều vợ”.
Chính vì điều ấy mà các đầu bếp có chuyên môn cao trở thành người đặt điều kiện với các ông bà chủ. Người trong nghề đã không ít lần chứng kiến sự ra đi của một đội ngũ bếp khi mối quan hệ không còn “cơm lành, canh ngọt” khiến cho việc kinh doanh của nhà hàng đó phải lao đao. Thật ra trong nền kinh tế thị trường, mối quan hệ giữa chủ và nhân viên được ràng buộc bằng hợp đồng lao động, ai cũng có các quyền và nghĩa vụ tương ứng nên chuyện nghỉ việc là khá thường tình và dễ hiểu. Tuy nhiên do tính cạnh tranh cao trong ngành ẩm thực, các chủ nhà hàng, khách sạn và dịch vụ du lịch phải “đấu với nhau” để săn được những đầu bếp chuyên nghiệp.
Một đầu bếp (xin giấu tên) từng kinh qua nhiều nhà hàng, khách sạn lớn cho biết, chính sự giành giật nhau bằng mọi giá của các chủ nhà hàng đã tạo nên tình trạng khi thấy lương bổng không như ý muốn là nhiều đầu bếp giỏi sẵn sàng bỏ việc. Tuy nhiên, giới này không nhiều, đầu bếp giỏi ra đi thường do ở một nơi quá lâu sẽ bị lụt nghề nên cần môi trường mới, thử thách mới.
Anh N., một đầu bếp giỏi tại nhà hàng M. (ở trung tâm quận 1) có khả năng nấu những món ăn cao cấp nói về lý do bỏ việc tại đây: “Vì người chủ nhà hàng sau khi thấy thương hiệu quá thành công đã yêu cầu đầu bếp giảm chất lượng nguyên vật liệu làm món ăn để tăng thêm lợi nhuận. Với cái tâm của người làm nghề không muốn lừa dối khách hàng, tôi nghỉ việc. Nói đầu bếp giỏi hay làm eo với chủ cũng đúng nhưng thường đội ngũ bếp luôn thể hiện nghề nghiệp của mình bằng đạo đức trước hết nên trong trường hợp bị o ép quá mức họ mới nhảy việc”.
Nói về kinh nghiệm giữ đầu bếp giỏi, ông Đào Thế Vinh, Chủ tịch HĐQT Golden Gate, quản lý các nhà hàng lẩu nấm Ashima và lẩu băng chuyền Kichi Kichi cho biết, yếu tố đầu tiên để giữ người tài là thu nhập, tiền lương. Chúng ta phải trả công phù hợp với thị trường nhân lực hiện nay, đúng với mặt bằng chung. Yếu tố thứ hai căn cơ hơn. Đó là văn hóa của công ty. Chúng ta phải xây dựng được văn hóa, thương hiệu cho công ty mình. Người lao động đến đây ngoài đồng tiền, họ còn tự hào về môi trường mà họ đang và sẽ làm việc. Yếu tố thứ ba là làm sao chúng ta phát huy được mọi sự sáng tạo mang tính chất cá tính của người tài, xem đó là một cách kinh doanh.

(Sưu tầm)

Các hình thức phục vụ trong ngành công nghiệp nhà hàng


Mặc dù ngành công nghiệp ăn uống cung cấp hàng loạt kỹ thuật và cách thức phục vụ khác nhau nhưng chỉ có 4 cách chính đang được sử dụng mà thôi.
Ở Mỹ, cách phục vụ thường được sử dụng nhiều nhất là dọn sẵn thức ăn trên dĩa (American service). Một cách phục vụ khác ít thông dụng hơn ở Mỹ nhưng được sử dụng trong ngành công nghiệp dịch vụ quốc tế, đó là phục vụ thức ăn trên xe đẩy (French service) và phục vụ trên khay gỗ (Russian service). Và phục vụ theo hình thức gia đình (English service).
Ngoài ra, một số nhà hàng phục vụ kiểu nhiều món ăn dọn sẵn (buffet). Một số nhà hàng để khách gọi món ăn trong thực đơn hoặc chọn món từ buffet.
Trong cách phục vụ kiểu Mỹ, thức ăn đã được đầu bếp trình bày sẵn từng phần trên dĩa cho khách. Có lúc một nhân viên nhà hàng được gọi là “runner”, người chịu trách nhiệm nhận thức ăn từ bếp đưa lên khu vực nhà hàng để nhân viên phục vụ khách. Có nhiều cách khác nhau, nhưng mỗi cách đều theo yêu cầu gọi thức ăn của khách. Phục vụ theo kiểu Mỹ có những điểm thuận lợi. Chất lượng và cách trình bày thức ăn chỉ giao phó cho một người, đó là bếp trưởng. Cách tập trung thẩm quyền vào một người thường đem lại tính nhất quán cho cả chất lượng món ăn và cách trang trí món ăn, đồng thời món ăn cũng dễ được hoàn thành nhanh chóng.
Nhưng cách phục vụ này vẫn có một khuyết điểm là thiếu tính tài tình và khéo léo như một số cách phục vụ khác. Một nhược điểm nữa là rất khó thay đổi khẩu phần theo ý muốn của khách so với các kiểu phục vụ khác.
Nếu muốn phục vụ kiểu Mỹ được thuận tiện thì khu vực nhà hàng phải được thiết kế sao cho nhân viên dễ dàng lấy thức ăn, nếu không nhà hàng sẽ không thể tận dụng được lợi thế phục vụ nhanh cho khách.
Ở Mỹ, người ta cũng dùng cách phục vụ kiểu Pháp, đó là phục vụ khách ngay tại bàn, tất nhiên thức ăn được để trên xe đẩy. Nhưng cách phục vụ này đòi hỏi chi phí cao và tốn nhân lực. Nhà hàng nào muốn phục vụ cách này nên cân nhắc và khảo sát tính khả thi của nó xem liệu thực khách có sẵn sàng trả thêm tiền, bởi nó đòi hỏi không gian rộng để có thể di chuyển xe đẩy thức ăn dễ dàng, trang thiết bị nhiều, dàn trải, tất cả đều đẩy chi phí ban đầu lên cao. Ngoài ra đội ngũ đông nhân viên cần được đào tạo chuyên nghiệp, phải có kinh nghiệm, gồm cả người phục vụ rượu. Mỗi bàn ăn cần ít nhất hai nhân viên phục vụ, chef de rang và commis de rang.
Phục vụ kiểu Nga, hay còn gọi là phục vụ trên khay gỗ, nghĩa là thức ăn được nhân viên chế biến bày lên khay, người phục vụ bưng khay đến bàn và gắp thức ăn ra từng dĩa cho khách. Thông thường những người phục vụ sẽ đi thành hàng một, mỗi nhân viên mang riêng một loại thức ăn trên khay của họ. Nói chung phục vụ kiểu Nga nhanh và ít tốn kém hơn kiểu Pháp, nhưng cũng giống như phục vụ kiểu Pháp, nó đòi hỏi nhân viên phải có kinh nghiệm và kỹ năng cao.
Nét đặc trưng của phục vụ kiểu Anh là nhân viên đem thức ăn đã được chia sẵn trong dĩa to hoặc tô lớn và đưa cho vị khách chính và vị khách này sẽ tự chuyển thức ăn quanh bàn như dạng gia đình tự phục vụ. Nhiều người quản lý thích kiểu phục vụ này vì nhân viên không cần phải có nhiều kỹ năng và vì nhà hàng không cần phải có diện tích lớn. Chi phí trang thiết bị và nhân công thấp sẽ giúp cho giá cả trong thực đơn rẻ hơn, và tất nhiên nhà hàng sẽ có nhiều khách hơn. Ngoài ra, việc quay vòng trong phục vụ và bàn ghế sẽ đủ nhanh để đón được nhiều khách hơn trong giờ cao điểm.
Cách phục vụ kiểu Anh lại có vấn đề ở chỗ, vì khách tự chia khẩu phần nên thức ăn khó mà đồng đều.
Nhiều nhà hàng phục vụ theo dạng thức ăn dọn sẵn (buffet). Một số nhà hàng lại chỉ phục vụ buffet trong những ngày đặc biệt như lễ Phục sinh, lễ Tạ ơn, Ngày của Mẹ. Một số khác lại phục vụ buffet mỗi ngày. Trong trường hợp nào cũng vây, dạng thức ăn dọn sẵn đòi hỏi việc trình bày và sắp xếp thật hợp lý và sao cho độc đáo. Đặc biệt là phải chuẩn bị đồ phục vụ, dụng cụ hâm nóng thức ăn, khay đựng thức ăn… thật chu đáo và không được thiếu bất cứ thứ gì, dù là nhỏ nhất. Có một việc nữa cũng không kém phần quan trọng, đó là thảm trải sàn và cách làm sạch thức ăn vươn vãi.
Một số nhà hàng phục vụ buffet theo cách “pha trộn”, tức là khách phải đến một quầy lấy thức ăn nóng rồi đến một quầy khác để lấy thức ăn nguội. Mặc dù cách bài trí này tốn nhiều thời gian nhưng nó giúp dịch vụ có trật tự hơn và tránh được tình trạng “thắt nút cổ chai” khi khách chờ lấy thức ăn.
Vì thức ăn đã được bày sẵn ở quầy nên chi phí cho nhân viên phục vụ thấp. Tuy nhiên, bù lại, chi phí cho nhân viên chế biến nhiều hơn vì cần nhiều người chuẩn bị centerpieces.
Cho dù phục vụ thức ăn kiểu nào đi nữa thì cũng phải nắm rõ kiến thức và thật chuyên nghiệp. Đây là kỹ thuật có tác động đến quyết định chọn lựa của khách. Và những kỹ thuật này có liên quan đến quy trình gợi ý bán hàng và hiện đang được thực hiện.
Ví dụ, việc quảng cáo về hoạt động của nhà hàng trên hệ thống truyền thông đại chúng, thực đơn để bàn hoặc cách trang trí giới thiệu những món ăn đặc biệt, những thực đơn đặc biệt, sẽ tác động lên khách một cách tinh vi và làm mạnh thêm danh tiếng của nhà hàng.
Quảng cáo truyền miệng hay quảng cáo lan truyền cũng có thể tạo ra hình ảnh tích cực. Một số nhà hàng cung cấp cho khách những dịch vụ thêm như personalised matchbooks, hay kẹo bạc hà sau bữa ăn. Những dịch vụ cộng thêm này tạo ấn tượng cho khách và họ sẽ giới thiệu cho bạn bè đến nhà hàng và như vậy giúp tạo thêm danh tiếng cho nhà hàng.

Những nguyên tắc và các khái niệm

1. Những kiểu phục vụ căn bản và ưu khuyết điểm của chúng
Kiểu phục vụ trên dĩa hay phục vụ kiểu Mỹ: nhân viên chế biến bày sẵn khẩu phần ăn trên dĩa trong bếp, sau đó nhân viên phục vụ nhận và phục vụ cho khách. Có thêm những “biến tấu”, như ở một số nhà hàng, nhân viên được gọi là chạy bàn (runner) chịu trách nhiệm nhận thức ăn từ dưới bếp và để lên khu vực bên cạnh để nhân viên phục vụ đem lên cho khách.
Ưu điểm của cách phục vụ kiểu Mỹ:
  • Trách nhiệm về chất lượng món ăn hoàn toàn thuộc về đầu bếp
  • Cách trình bày món ăn nhất quán vì chỉ có đầu bếp và một hoặc hai nhân viên kiểm soát dĩa thức ăn
  • Phục vụ nhanh chóng.
  • Nhân viên phục vụ không cần phải có nhiều kinh nghiệm như những cách phục vụ khác.
Khuyết điểm:
  • Cách phục vụ này mất đi tính tinh tế và lịch thiệp mà những cách phục vụ khác có được.
  • Khó bổ sung thêm khẩu phần cho khách khi có yêu cầu.
Thông thường người quản lý sẽ kết hợp những cách phục vụ khác nhau. Ví dụ dùng cách phục vụ kiểu Mỹ cung cấp thức ăn tại bàn hoặc tại những quầy phục vụ súp hoặc sa – lát để khách có thể tự phục vụ.
Khi phục vụ kiểu Mỹ, nhà hàng phải được thiết kế sao cho nhân viên dễ dàng di chuyển vào khu vực chế biến thức ăn, và phải chuẩn bị sẵn những hàng hoá cần thiết; đồng thời, bàn ăn phải chuẩn bị sẵn những thứ cần thiết trước khi khách đến, ngoại trừ loại dĩa phục vụ cho từng món. Ngoài ra, nhân viên phục vụ phải dọn dĩa và dao, nĩa khi khách ăn xong và thay một bộ mới cho món ăn khác.
Một nhân viên phục vụ chịu trách nhiệm bao nhiêu bàn tùy thuộc vào kinh nghiệm khoảng cách từ khu vực chế biến đến khu vực nhận thức ăn, thực đơn, số lượng khác; nhân viên phục vụ có chịu trách nhiệm việc chuẩn bị bàn hoặc phục vụ đồ uống hay không, và số nhân viên chạy bàn.
Phục vụ kiểu Pháp hay phục vụ trên xe đẩy: phục vụ kiểu Pháp là nhân viên đẩy xe đựng thức ăn và phục vụ khách tại bàn ăn. Nhà hàng nào khi sử dụng dịch vụ kiểu này nên nghiên cứu trước tính khả thi của nó, tức là liệu khách có sẵn lòng trả tiền cho loại dịch vụ này không.
Ưu điểm:
  • Dịch vụ sang trọng, tỉ mỉ
Khuyết điểm:
  • Phòng ăn phải rộng để xe đẩy thức ăn có thể di chuyển dễ dàng.
  • Mất nhiều thời gian để chuẩn bị và phục vụ
  • Chi phí cao
  • Cần số lượng lớn nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp.
Nhiều nhà hàng phục vụ kiểu Pháp thuê nhân viên phục vụ rượu và chính họ là người sẽ chịu trách nhiệm quản lý rượu, kể cả rượu lưu trữ.
Một bàn cần ít nhất hai nhân viên phục vụ – the chef de rang. Người nhận khách gọi món ăn, phục vụ đồ uống, chuẩn bị bày bàn, thu tiền – và the commis de rang – người giúp khách ngồi xuống ghế, chuyển phiếu gọi thức ăn xuống bếp, sắp thứ tự món ăn, nhận món ăn và chuyển lên xe đẩy.
Phục vụ kiểu Nga hay phục vụ trên khay gỗ: Như tên gọi, nhân viên phục vụ chuẩn bị và bày thức ăn trên khay gỗ, mỗi người bưng một khay thức ăn khác nhau tới bàn của khách và phục vụ phần ăn tại bàn.
Ưu điểm:
  • Phục vụ nhanh hơn và chi phí thấp hơn kiểu Pháp.
  • Sang trọng nhưng thực tế.
Khuyết điểm:
  • Cần đầu tư ban đầu vào việc mua khay gỗ
  • Giống như phục vụ kiểu Pháp, phục vụ kiểu Nga yêu cầu số lượng lớn nhân viên và họ phải được đào tạo chuyên nghiệp.
Phục vụ kiểu Anh hay kiểu phục vụ gia đình: Nét đặc trưng của cách phục vụ kiểu Anh là nhân viên mang hết thức ăn ra bàn, khách tự chuyền thức ăn quanh bàn và tự phục vụ như ở gia đình.
Ưu điểm:
  • Nhân viên phục vụ không cần có chuyên môn cao
  • Không cần nhà hàng có diện tích lớn hay nhiều thiết bị hỗ trợ.
  • Phục vụ nhanh nên khả năng quay vòng bàn nhanh.
  • Chi phí đầu tư nhân lực và thiết bị thấp làm cho giá món ăn giảm.
Khuyết điểm:
  • Khách có cảm giác không được quan tâm đặc biệt
  • Khó có thể kiểm soát khẩu phần ăn để bổ sung kịp thời.
2. Những điều cần lưu ý khi phục vụ buffet
Những thiết bị thích hợp (như đồ phục vụ, dụng cụ hâm nóng, khay đựng thức ăn) buộc phải chuẩn bị. Thảm trải, vết bẩn do dầu mỡ hay hơi nước cũng cần phải lưu ý. Nhân viên phục vụ phải luôn mang thêm thức ăn lên khay và phải lưu ý thức ăn vương vải hay dĩa bị dính dầu mỡ.
Mặc dù chi phí nhân lực phục vụ buffet thấp nhưng bù lại sẽ có chi phí phát sinh cho nhân viên chế biến để chuẩn bị thức ăn, như centerpieces, và chuẩn bị thức ăn với số lượng lớn, nhiều loại thức ăn khác nhau.
Thừơng thì buffet có tỷ lệ chi phí thức ăn cao hơn (chi phí thức ăn chia cho doanh thu bán được) so với những loại nhà hàng chuyên về tiệc hay nhà hàng sử dụng cách phục vụ kiểu Mỹ truyền thống. Tuy nhiên, nếu buffet được nhiều người ưa thích hơn, lãi gộp mà chúng đem lại (tổng doanh thu trừ cho tổng chi phí thức ăn) có thể cao hơn so với những kiểu phục vụ khác.
3. Kỹ năng bán hàng trong nhà hàng
Có thể gợi tổng hợp theo những cách sau:
  • Bảng thực đơn giới thiệu khuyến mãi cho món ăn nào đó
  • Bảng để bàn, hình ảnh, vật trang trí, băng rôn, hoặc nút áo trên đồng phục nhân viên dùng để quảng cáo cho món ăn có trong thực đơn.
  • Làm nổi bật món ăn đặc biệt trong thực đơn
  • Lời giới thiệu của nhân viên phục vụ dành cho khách.
  • Trình bày món ăn thật sang trọng
  • Miễn phí món ăn mẫu khi giới thiệu món mới
Một trong những khả năng khác trong cách bán gợi ý là cách bài trí bàn: Đặt ly uống rượu trên bàn nhằm khuyến khích khách gọi rượu, đặt miếng lót bàn có dòng chữ “Lời gợi ý của bếp trưởng”, hoặc đặt lên bàn một bảng nhỏ chứa những thông điệp quảng cáo. Kiểu quảng cáo truyền miệng được sử dụng bằng những dịch vụ hỗ trợ ngoài sự mong đợi của khách, như sổ cá nhân hoặc kẹo bạc hà sau bữa ăn, hay tặng kèm với hoá đơn tính tiền. Quản lý kinh doanh, bếp chính, quản lý ẩm thực và quản lý nhà hàng cần quyết định nên chọn kiểu quảng cáo lan truyền nào cho hiệu quả.
(Sưu tầm từ internet)

Kinh doanh nhà hàng – khó hay dễ?


Cùng với khách sạn, nhà hàng là một trong những lĩnh vực kinh doanh “hot” nhất hiện nay. Các quán ăn đang được mở ra ngày càng nhiều vì con người đang chú ý đến nhu cầu ăn uống. Họ không chỉ muốn ăn ngon mà còn muốn được ngồi trong một không gian thoáng đẹp, được phục vụ tận tình, tương xứng với đồng tiền bỏ ra. Việc đi nhà hàng đã trở thành một nét văn hóa, đặc biệt là ở các đô thị. Chuyện đi nhà hàng giờ đây cũng không phải là ước mơ quá xa vời đối với nhiều người khi đời sống kinh tế ngày một được cải thiện hơn.
Nhiều người cho rằng, kinh doanh nhà hàng là “một vốn bốn lời”. Và nếu quả là như thế thật, khi nhìn vào những quán ăn đông nghẹt khách, bạn có nhen nhóm ý định làm giàu từ ngành này không? Bạn có sẵn vốn và một địa điểm lý tưởng để kinh doanh nhưng còn phân vân vì nhiều lý do? Bạn e rằng mình chưa nắm được đầy đủ thông tin về công việc thú vị nhưng cũng đầy mạo hiểm, nhất là khi nó có ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình?

Bạn biết gì về thế giới nhà hàng?

Thế giới nhà hàng với muôn hình vạn trạng của chúng tạo ra nhiều điều bí ẩn và hào nhoáng. Ngày càng có nhiều loại nhà hàng xuất hiện để đáp ứng nhu cầu ăn uống đa dạng của con người. Nhà hàng chính là một cỗ máy sản xuất và nếu không nhìn nhận theo cách này, bạn khó mà thành công được. Nhiều người có ý định mở nhà hàng sau khi cùng người thân hay bạn bè đến một nhà hàng đông khách nào đó. Họ nghĩ rằng với số lượng khách và mức giá như thế, hẳn ông bà chủ tha hồ mà hốt bạc. Nhưng bạn có biết rằng, kinh doanh nhà hàng chính là một trong những công việc khiến tiền bạc “đội nón” ra đi nhanh nhất không? Làm thế nào để thành công trong kinh doanh nhà hàng là vấn đề hóc búa không chỉ đối với bạn mà còn với cả những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề.
kinh doanh nha hang kho hay de
Làm thế nào để thành công trong kinh doanh nhà hàng là vấn đề hóc búa (ảnh minh hoạ)
Với tư cách là chủ/quản lý nhà hàng, bạn đóng một vai trò quan trọng trong các khâu, từ lúc lên kế hoạch, xây dựng cho đến việc tuyển chọn nhân viên, lên thực đơn…của nhà hàng. Công việc này không chỉ đòi hỏi ở bạn lòng say mê mà còn cả kiến thức sâu rộng về mọi mặt. Khách hàng của bạn xuất thân từ nhiều tầng lớp xã hội với trình độ văn hóa khác nhau. Nói cách khác, bạn là người “làm dâu trăm họ,” đáp ứng ở mức tốt nhất mọi yêu cầu của khách. Hơn nữa, sự cạnh tranh khốc liệt trên thương trường buộc bạn phải tìm cách để chiến thắng trong cuộc đua giành thị phần với đối thủ. Bạn thấy mình đã đủ sức bước vào cuộc chiến không khoan nhượng này chưa hay việc mở nhà hàng đối với bạn chỉ là dịp để có chỗ bù khú với bạn bè, phô trương hình ảnh của mình hoặc chiều theo một sở thích nhất thời? Nếu thế thì bạn nên xem lại ý định của mình trước khi bắt tay vào việc.

Các yếu tố có thể dẫn bạn đến thành công:

Tính kiên nhẫn
Khả năng giữ bình tĩnh dưới mọi áp lực trong các tình huống lộn xộn và cách xử lý vấn đề với các quan điểm khác nhau hay các tính cách phức tạp sẽ được coi là yếu tố quan trọng giúp bạn thành công trong công việc. Cho dù có làm việc với ai: khách hàng, nhà cung cấp hay ứng viên xin việc, và dẫu các xu hướng ẩm thực hay cung cách kinh doanh có luôn thay đổi ... thì bạn cũng phải thể hiện đức tính kiên nhẫn, bình tĩnh của mình. Cũng giống như bất cứ lĩnh vực kinh doanh dịch vụ nào, kinh doanh nhà hàng là môi trường khá nhạy cảm, nơi mà sự căng thẳng trong các mối quan hệ luôn được ví như quả bom nổ chậm. Trách nhiệm chính của người điều hành nhà hàng là lập lại trật tự ở những nơi đang xảy ra lộn xộn, làm dịu đi sự căng thẳng và xóa nhòa những bất đồng.
Nghị lực
Dấn thân vào kinh doanh nhà hàng cũng giống với việc một người lao xuống dòng sông đang chảy xiết. Thoạt đầu, bạn có thể bị chìm nghỉm xuống đáy nhưng nếu biết cách điều hoà hơi thở và phối hợp các động tác, bạn có thể nổi lên bơi theo dòng nước. Nghị lực chính là cái phao giúp bạn có thể nổi lên và cầm cự trong dòng xoáy. Nó giúp bạn kiên nhẫn bước tiếp con đường đã chọn mà không nghĩ đến chuyện đầu hàng.
Sự say mê
Chẳng có một thành công nào mà lại không gắn liền với niềm đam mê. Nó như một ngọn lửa truyền nhiệt lượng và linh hồn cho công việc. Điều hành nhà hàng thực ra là một công việc khó khăn, nhọc nhằn mà nếu thiếu đi ngọn lửa đó, bạn không có cách gì để tiến xa được. Lòng yêu nghề cũng được ví như một vùng đất trũng với quả bóng tròn, dù có chuyện gì xảy ra, rốt cuộc quả bóng cũng sẽ lăn về điểm thấp nhất.
Say mê công việc chưa đủ, bạn cần có khả năng truyền niềm đam mê đó cho những người xung quanh, nhất là cho các nhân viên của bạn. Vì chính họ chứ không phải bạn, sẽ là người tiếp xúc trực tiếp với khách hàng. Nhân viên nhà hàng sẽ rất dễ có tâm trạng bực dọc: phải chiều lòng nhiều khách hàng trong cùng một lúc, phải bê từng chồng bát đũa, thức ăn nóng, lạnh, phải chạy như con thoi giữa nhà bếp, bàn ăn và khu rửa chén bát... Hơi nóng, tiếng ồn và những đòi hỏi của khách ... là những thứ dễ làm người ta cáu kỉnh nhất. Vậy bạn là ai nếu không phải là người chỉ với một nụ cười hoặc một lời hướng dẫn đơn giản có thể làm “hạ nhiệt” anh chàng nhân viên đang bực bội kia khiến anh ta cảm thấy lòng mình "mát" lại để dịu dàng đon đả với khách hàng? Nếu một nhà thơ từng nói, chỉ tình yêu chỉ tình yêu lên tiếng, thì trong trường hợp này ông đã hoàn toàn đúng, sự say mê trong công việc là một trong những điều kiện tiên quyết trong vai trò này.
(Trích: "Đường vào nghề: Kinh doanh nhà hàng" - NXB Trẻ)

Kinh nghiệm quản lý nhà hàng


Nhà hàng là một trong những loại hình kinh doanh thử thách nhất để bắt đầu. Nó đòi hỏi sự tận tâm và khả năng nắm bắt chi tiết. Từng bước hướng dẫn dưới đây sẽ giúp bạn quản lý cả quá trình để bắt đầu kinh doanh nhà hàng, từ việc lựa chọn ý tưởng tới việc tìm địa điểm và nhân viên.


Xu hướng ăn ở nhà hàng ngày càng gia tăng ở bất kì quốc gia nào. Chỉ tính riêng ở Mỹ, người ta dự đoán vào khoảng năm 2010, ngành công nghiệp nhà hàng sẽ đạt doanh thu khoảng 577 tỉ USD/năm. Với tốc độ phát triển như ngày nay, Việt Nam cũng sẽ không tránh khỏi xu thế đó.
Mặc dù tương lai kinh doanh nhà hàng có vẻ tươi sáng nhưng không có gì đảm bảo ai cũng có thể thành công trong ngành này. Thậm chí những người kinh doanh thành công nhất cũng cho rằng đó không phải là ngành “kiếm tiền nhanh chóng”. Nó giống với một ngành “làm việc chăm chỉ và tìm kế sinh nhai” hơn.
Một thực tế hiển nhiên là có rất nhiều nhà hàng bị thua lỗ trong năm đầu kinh doanh mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu hoạch định. Điều này có nghĩa kinh doanh nhà hàng là một nghề phức tạp? Không hẳn như vậy, thực tế, bạn càng tổ chức hợp lý, cơ hội thành công càng cao. Robert Owens, chủ của nhà hàng kinh doanh đồ biển RV tại Bắc Carolina cho biết “Kinh doanh nhà hàng là ngành kinh doanh đơn giản mà con người làm cho nó phức tạp lên”. Công thức thành công của ông là đồ ăn chất lượng và phục vụ tốt-phương pháp rất có hiệu quả đối với ông trong gần một phần tư thế kỷ qua.
Dù ước mơ của bạn là mở một nhà hàng ăn tối truyền thống, hiệu bánh pizza kiểu New York, buffet Trung Quốc hay tiệm cà phê, bạn cũng có thể áp dụng từng bước dưới đây:
Thị trường mục tiêu
Không có một nhà hàng nào đủ sức hấp dẫn với tất cả mọi người. Đó là một thực tế mà nhiều người mới bước vào kinh doanh khó chấp nhận. Vì thế, hãy chỉ nhắm vào 5 hay 10% thị trường và phục vụ tốt, thế là bạn đã thành công.
Bạn có thể phân đoạn thị trường theo độ tuổi, theo thu nhập, sở thích hay nhà hàng đặc thù (nhà hàng dinh dưỡng, nhà hàng ăn chay…). Tuỳ từng cách phân đoạn, bạn tìm hiểu đặc điểm của từng đối tượng để có cách thức kinh doanh phù hợp. Ví dụ phân đoạn theo độ tuổi:
- Thế hệ Y: thế hệ này, còn được gọi là thế hệ thiên niên kỷ, sinh từ năm 1980 trở về sau. Thế hệ này rất năng động, thích cái mới, dễ cuốn vào trào lưu, muốn khẳng định mình và khá độc lập.
-Thế hệ X: là những người đã trưởng thành trẻ tuổi, được sinh ra trong khoảng 1965-1977. Họ bắt đầu trầm hơn, không thích bị chú ý, chín chắn và quan tâm tới thực chất.
-Thế hệ sinh từ năm 1946-1964: ở lứa tuổi này họ đã có một sự nghiệp ổn định, ưa thích sự sang trọng…
Cần phân tích đặc điểm của từng khách hàng để lựa chọn khách hàng mục tiêu nhằm phục vụ một cách hiệu quả nhất.
Lựa chọn địa điểm
Tuỳ thuộc vào số tiền bạn có thể đầu tư vào việc mở nhà hàng và loại hình nhà hàng mà bạn lựa chọn để có hướng tìm địa điểm phù hợp.
Không phải hầu hết các nhà hàng đều cần gần nơi đông dân cư, tuy nhiên đối với những nhà hàng phụ thuộc vào đặc điểm này, cần lưu ý một số điểm khi lựa chọn nơi kinh doanh:
-Lượng bán hàng dự kiến. Địa điểm bán hàng ảnh hưởng như thế nào tới khối lượng bán của bạn?
-Giao thông. Xem xét lưu lượng người đi bộ và đi xe. Có khoảng bao nhiêu lượt người đi bộ và đi xe qua lại mỗi ngày? Địa điểm có thuận lợi cho việc dừng chân của khách hàng hay không?
-Nhân khẩu học. Những người sống và làm việc gần địa điểm đó có phù hợp với khách hàng mục tiêu của bạn không?
-Khả năng thanh toán tiền thuê địa điểm. Nếu bạn đã tính toán lỗ lãi trong năm đầu kinh doanh, bạn sẽ biết con số gần chính xác doanh thu bạn sẽ đạt được là bao nhiêu và dùng con số này để quyết định nên thuê địa điểm với mức bao nhiêu thì vừa.
-Thuận lợi dừng đỗ xe. Địa điểm phải đảm bảo có chỗ để xe cho khách và dễ dừng đỗ.
-Gần các cửa hàng khác. Những cửa hàng gần kề có thể ảnh hưởng tới doanh số của bạn, sự có mặt của họ tác động bất lợi hay có lợi?
-Lịch sử của địa điểm. Tìm hiểu lịch sử trước khi quyết định thuê hay không. Ai là người thuê trước đó và tại sao họ lại không thuê nữa?
-Phát triển trong tương lai. Tìm hiểu chiến lược quy hoạch của địa phương để biết trước liệu có sự thay đổi nào liên quan đến địa điểm bạn định thuê hay không?
-Các điều khoản thuê. Tìm hiểu kỹ hợp đồng thuê để có những thoả thuận hợp lý nhất.
Bố trí, sắp đặt
Sắp đặt và thiết kế là những yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của nhà hàng. Bạn cần thiết kế hợp lý cho khu chế biến, khu bếp, khu trữ hàng, khu văn phòng và khu dành cho khách. Thông thường, khu dành cho khách ăn chiếm từ 40-60% diện tích nhà hàng, 30% dành cho khu chế biến và nấu nướng, phần còn lại là khu trữ hàng và khu văn phòng.
-Khu dành cho khách: đây là khu giúp bạn kiếm tiền, chính vì thế đừng cắt xén nó khi thiết kế. Hãy dành thời gian thăm càng nhiều nhà hàng càng tốt để phân tích cách bài trí của những nhà hàng đó. Hãy quan sát thái độ của những khách hàng tới ăn, họ phản ứng ra sao với những cách bài trí đó? Chúng tiện lợi hay không? Phân tích những cái hay và dở để rút kinh nghiệm.
Cách thiết kế khu dành cho khách phụ thuộc vào quan niệm của bạn. Thống kê cho thấy 40 đến 50% khách hàng tới theo đôi, 30% đi một mình hoặc nhóm 3 người, 20% đi theo nhóm từ 4 người trở lên. Để đáp ứng từng nhóm khách khác nhau, hãy dùng bàn cho 2 người và dùng loại có thể di chuyển để lắp ghép thành bàn rộng hơn. Cách này giúp bạn linh hoạt hơn trong việc phục vụ từng nhóm khách hàng khác nhau.
-Khu chế biến. Các khu chế biến trong nhà hàng thường rơi vào tình trạng thiết kế không hiệu quả. Hãy nắm rõ thực đơn trong đầu để xác định từng yếu tố trong khu vực chế biến. Bạn cũng cần khu vực dành cho việc nhận, cất giữ nguyên liệu, sơ chế, nấu, rửa chén bát, khu đựng rác, thuận lợi cho nhân viên và khu dành cho văn phòng.
Hãy sắp xếp khu chế biến thức ăn sao cho chỉ cách khu nấu nướng vài bước chân. Cách thiết kế của bạn cũng nên cho phép hai đầu bếp hoặc nhiều hơn cùng làm khi có nhiều khách.
Lên thực đơn
Thực đơn là danh sách các món ăn hay đồ uống mà nhà hàng của bạn hiện có, được đưa ra để khách hàng lựa chọn. Khi lên thực đơn, bạn cần lưu ý đến trẻ em nếu khách hàng mục tiêu của bạn bao gồm cả đối tượng này, ví dụ như thiết kế một số món với khẩu phần nhỏ hơn để hấp dẫn các em nhỏ.
Thực đơn có xu hướng ngày càng dài và điều này chỉ khiến cho khách hàng thêm rối trí. Hãy sắp xếp các món theo mục, cố gắng cung cấp cho khách hàng nhiều sự lựa chọn nhất nhưng với thực đơn ngắn gọn nhất.
Những quy định về an toàn thực phẩm
An toàn thực phẩm cần được đặt lên hàng đầu khi bạn dấn thân vào việc kinh doanh nhà hàng. Bạn cần tìm hiểu về những quy định an toàn thực phẩm mà các nhà chức trách đã đưa ra để thực hiện cho đúng. Uy tín của nhà hàng sẽ rất khó lấy lại nếu bạn để khách hàng của mình bị ngộ độc, ngoài ra bạn còn phải trả chi phí điều trị không nhỏ cho khách hàng.
Tuyển nhân viên
Bước đầu tiên trong chương trình tuyển dụng nhân viên là quyết định chính xác bạn muốn nhân viên làm gì. Bảng mô tả công việc không nhất thiết phải quy mô như của các công ty lớn, điều quan trọng là nó phải liệt kê được trách nhiệm và phận sự của từng công việc.
Tiếp theo bạn cần lập bảng quy định mức lương. Để đạt hiệu quả tối ưu, bạn nên nghiên cứu mức lương chung trong ngành, sau đó đặt ra mức lương tối đa và tối thiểu đối với từng vị trí để việc trả lương dựa vào năng lực được linh hoạt hơn.
Có một số vị trí đặc biệt bạn cần lưu tâm:
-Người quản lý: Vị trí quan trọng nhất trong hầu hết các nhà hàng là người quản lý. Tốt nhất là người đó phải đã từng quản lý một hay nhiều nhà hàng và có mối quan hệ với các nhà cung cấp thực phẩm. Chắc chắn bạn cũng muốn có được một người quản lý có kỹ năng và khả năng giám sát nhân viên đồng thời vẫn làm toát lên phong cách và cá tính của nhà hàng. Để có được người quản lý như thế bạn cần phải trả mức lương tương xứng và nên tuyển trước khi mở cửa hàng ít nhất 1 tháng để họ có thể tư vấn cho bạn.
-Bếp trưởng và đầu bếp: khi mới bắt đầu bạn có thể cần 3 đầu bếp, 2 người làm toàn thời gian và 1-bán thời gian, giờ làm việc từ 10 h sáng đến 4 h chiều hoặc từ 4 h chiều tới lúc đóng cửa. Người làm bán thời gian được bố trí vào những giờ cao điểm, cuối tuần hoặc ngày lễ.
-Người phục vụ: họ là những người trực tiếp tiếp xúc với khách hàng của bạn, vì thế họ cần phải tạo ra ấn tượng dễ chịu và có thể làm việc tốt dưới áp lực lớn, cùng lúc phục vụ nhiều bàn mà vẫn giữ được vẻ tươi tỉnh.
Đối với bất kì nhân viên nào bạn cũng nên cho họ biết triết lý của nhà hàng cũng như hình ảnh mà bạn muốn xây dựng để cùng nhau phấn đấu.
Chiến lược marketing và quảng bá
Bất cứ công ty nào cũng cần có một kế hoạch marketing và loại hình kinh doanh nhà hàng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên dù áp dụng chiến lược marketing nào đi chăng nữa bạn cũng không nên bỏ qua phương pháp marketing truyền miệng bởi theo nghiên cứu, đây là phương pháp quảng cáo tốt nhất đối với ngành kinh doanh thực phẩm.
Khi khai trương nhà hàng bạn có thể gửi giấy mời dùng bữa miễn phí tới những nhân vật tiêu biểu trong tập khách hàng mà bạn nhắm tới. Đăng kí tên trên danh sách các địa chỉ ẩm thực, sách hướng dẫn du lịch, quảng cáo trên các phương tiện thông tin hoặc giới thiệu cách chế biến một vài món ăn đặc trưng của nhà hàng trên tạp chí.
(Theo Entrepreneur)